Học cách thưởng nhân viên
(HR) Việc đánh giá, xếp loại nhân viên không chỉ đơn thuần dựa vào mục tiêu và thành tích đạt được. Một hệ thống khen thưởng tối ưu cần đáp ứng các yếu tố bù đắp, phúc lợi, công nhận và tuyên dương nhân viên.
Một nhân viên mỗi ngày đều đi làm trễ 15 phút nhưng luôn đưa ra được lý do hợp lý. Người này thực sự có vấn đề về sức khỏe hay là… Một nhân viên khác nữa nhiều năm qua làm rất tốt một công việc, nhưng gần đây hiệu quả làm việc lại kém hơn trước. Có nên đưa người này đi đào tạo lại?
Đánh giá, xếp loại…
Trên thực tế, đánh giá quá trình làm việc của nhân viên tại doanh nghiệp không chỉ đơn giản là đưa ra những nhận xét. Các chuyên gia về nhân sự cho rằng, để việc đánh giá nhân viên đạt hiệu quả thiết thực, nhà quản lý cần dự tính trước và xác định được giới hạn của phạm vi đánh giá, cũng như thiết lập môi trường làm việc phù hợp để thực hiện quá trình đánh giá.
Phần lớn các công ty đều sử dụng một hình thức đánh giá chung cho tất cả công việc trong nội bộ, nhà quản lý cần biết sử dụng những lời bình luận và giải thích để mở rộng việc đánh giá, nhằm thay đổi hình thức đánh giá theo từng công việc cụ thể.
Việc đánh giá nhân viên không chỉ dựa vào cấp quản lý trực tiếp mà cần tham khảo ý kiến từ tất cả những người có quan hệ với nhân viên, bao gồm cấp lãnh đạo, đồng nghiệp, khách hàng, đối tác và bản thân nhân viên tự đánh giá mình.
Quy trình đánh giá nhân viên được thực hiện theo bảng điểm, có nhân hệ số để tính lương , thưởng. Các tiêu chí đánh giá có thể thay đổi theo cấp độ nhân viên hay quản lý.
Chẳng hạn, nếu nhân viên chỉ được “chấm điểm” dựa trên tinh thần trách nhiệm, khả năng chuyên môn, các đề xuất cải tiến, kỹ năng giao tiếp thì cấp quản lý được xét thêm tiêu chí “năng lực quản lý và đào tạo nhân viên”.
Một người quản lý nếu không phát triển nhân viên mới, đào tạo được người thay thế mình thì dù điểm số thành tích có cao nhưng vẫn không đạt chuẩn xếp loại. Việc đánh giá nhân viên thực chất là tính theo năng lực và khả năng đóng góp cho công ty. Trong năm, nhân viên tham gia vào một dự án lớn hoặc làm nhiều dự án nhỏ thì ngoài các tiêu chí trên, nhân viên còn được xét đến năng lực thể hiện, khối lượng công việc, khả năng cống hiến, kỹ năng học hỏi từ công việc.
Việc đánh giá, xếp loại nhân viên không nên chỉ dựa vào mục tiêu, thành tích đạt được mà quan trọng hơn, cách đạt được mục tiêu đó. Vì thế, ngoài mục tiêu kinh doanh là điều kiện cần trong đánh giá-xếp loại lao động, nhân viên còn được xét đến các yếu tố khác như tinh thần phối hợp đội nhóm, kỹ năng thương thuyết, cách giải quyết vấn đề, xử lý khủng hoảng…
Cách đánh giá này quyết định mức lương của từng người, còn mức thưởng sẽ được xét trên thành quả của tập thể.
Quy trình đánh giá nhân viên được thực hiện theo các khoảng thời gian ba tháng, sáu tháng hoặc một năm. Hình thức đánh giá theo quí (ba tháng) có ưu điểm là: kịp thời động viên, khen thưởng hay uốn nắn, sửa chữa khuyết điểm cho nhân viên. Tuy nhiên, kiểu đánh giá này có thể không thích hợp với các công việc mang tính chất dự án dài hạn. Nhưng với cách đánh giá vào mỗi cuối năm, có khi lại tạo cho nhân viên tâm lý đối phó, chỉ chịu “cải thiện” lề lối làm việc vào giai đoạn trước kỳ đánh giá, sau đó có thể họ lại… “ngựa quen đường cũ”.
Và khen thưởng
Sau quá trình đánh giá và xếp loại, việc khen thưởng không chỉ nhằm mục đích đem lại… giá trị vật chất cho nhân viên. Các chuyên gia về nhân sự cho rằng, một hệ thống khen thưởng tối ưu cần đáp ứng các yếu tố bù đắp, phúc lợi, công nhận và tuyên dương nhân viên.
Tiền bạc chưa hẳn là yếu tố chính tạo nên… xúc cảm cho nhân viên khi được khen thưởng. Quan trọng hơn, theo các chuyên gia về nhân sự, nhân viên cần được công nhận và đánh giá cao năng lực thể hiện, thành tích đạt được… tại doanh nghiệp như một sự biết ơn. Cách làm xem ra cũng không quá phức tạp: một bản nhận xét cá nhân được người quản lý gửi trực tiếp đến nhân viên; công khai cảm ơn nhân viên này trước các đồng nghiệp vì những hành động cụ thể đã làm, có tác động tích cực đến tổ chức…
Đừng quá nhấn mạnh đến yếu tố tiền bạc trong khen thưởng nhân viên, bởi công ty đã “tưởng thưởng” các giá trị khác cho nhân viên như môi trường làm việc, văn hóa công ty, các giá trị được chia sẻ, được trở thành đối tác của khách hàng…
Việc thưởng chỉ mang tính khuyến khích, bởi nhân viên sẽ biết ơn doanh nghiệp hơn vì các khoản lương lãnh hàng tháng.
Quantri.Vn
Nam Á Bank ngược dòng xu hướng tuyển dụng
(Thanh tra) - Tại thời điểm khi hầu hết các ngân hàng đang ồ ạt “cắt giảm nhân sự” thì Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) lại tuyển dụng một lượng lớn nhân sự tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đây được xem là sự ngược dòng của xu hướng cũng như các chính sách nhân sự chung của ngành.
Giải thích cho việc Nam A Bank đang có những bước dịch chuyển vòng xoáy nhân sự một cách ngoạn mục khi mà mặt bằng chung các ngân hàng đang cắt giảm nhân sự hàng loạt, là vì, vừa qua Nam A Bank được Ngân hàng Nhà nước tin tưởng và phê duyệt cho phép mở mới 8 điểm giao dịch trong đó có 5 Chi nhánh và 3 Phòng giao dịch tại 5 tỉnh, thành thuộc khu vực Nam - Trung Bộ như TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Nai, Vũng Tàu, Bến Tre, Ninh Thuận…
Đây là lý do Nam A Bank hiện đang cần tuyển hơn 200 nhân sự bao gồm các vị trí từ quản lý cấp cao đến các chức danh chuyên viên, nhân viên...
Nam A Bank là một trong số ít ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cho phép mở mới chi nhánh trong thời điểm chỉ các ngân hàng có khả năng quản trị ổn định, hoạt động có hiệu quả, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và có nhu cầu thì mới được mở Chi nhánh, Phòng giao dịch tại các địa bàn thực sự có nhu cầu về dịch vụ ngân hàng.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2014, CEO của Ngân hàng này được trúng cử thành viên Hội đồng quản trị. Điều đó chứng tỏ, sức mạnh điều hành được gia tăng và các hoạt động quản trị được xuyên suốt từ Hội đồng quản trị đến từng cán bộ nhân viên.
Theo ông Trần Ngô Phúc Vũ, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Nam A Bank chia sẻ: “Việc Nam A Bank được Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn mở 8 điểm giao dịch mới trong 6 tháng cuối năm là một minh chứng cho thấy chiến lược của Hội đồng quản trị trong đề án tái cơ cấu đang đi đúng lộ trình. Trên cơ sở đó, Nam A Bank tiếp tục củng cố về mọi mặt, trong đó, tập trung chủ yếu nâng cao cơ sở hạ tầng, cải tiến chất lượng dịch vụ và đào tạo nguồn lực nhân sự hiện hữu.
Trong thời gian tới Nam A Bank sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực có kinh nghiệm và kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu nhằm hướng tới ngân hàng bán lẻ có dịch vụ hàng đầu Việt Nam”.
Ngọc Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét